Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Tạo việc làm cho người khuyết tật hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn và cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng. Và cần phải có những chiến lược và bước đi đúng đắn để tạo một chương trình thiết thực cho người khuyết tật.
Một là, phải thiết kế các chương trình giáo trình đào tạo nghề cho người khuyết tật tại các trung tâm và trường đào tạo nghề: khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có chuẩn chương trình đào tạo nghề cho từng loại khuyết tật. Hiện tại, từ chương trình đào tạo nghề chung, các giáo viên nơi đây phải tự xây dựng riêng cho mình giáo án giảng dạy. Bên cạnh đó, quy định về thời gian đào tạo nghề đã “gây khó” cho việc đào tạo nghề cho người khuyết tật, thường phải lâu gấp 3-4 lần người bình thường. Ngoài ra có nhiều đơn vị đã thực hiện chức năng đào tạo nghề cho người khuyết tật nhưng vẫn chưa có đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên biệt, chưa có nghiệp vụ đào tạo cho nhóm đối tượng yếu thế nên nhiều lúc giáo viên giảng nhưng học trò không hiểu. Cũng chính vì vậy, các doanh nghiệp tuyển lao động chưa tin tưởng vào công tác đào tạo nghề cho NKT ở các cơ sở đó nên để tìm được việc làm cho NKT lại càng khó khăn hơn.
Hai là, phải có những nhận định đúng và khoa học khi đào tạo NKT, là những đối tượng dễ bị tổn thương: Đa số NKT thường mặc cảm và tự ti về sự khuyết tật của mình nên rất ngại khi xa gia đình đi học nghề. Tâm lý tự ti và trở ngại về khoảng cách địa lý làm họ e ngại, không muốn vươn lên học nghề cũng như không tự tin là mình có thể làm việc tự nuôi sống mình và gia đình. Bên cạnh đó, hầu hết gia đình NKT là hộ nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp nên họ không khuyến khích NKT đi học nghề mà chỉ muốn giữ ở nhà để trông nhà, làm việc nội trợ
Ba là, ngành LĐ-TB-XH và ngành GD-ĐT cả nước cần phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi để các trung tâm dạy nghề cho NKT hoạt động hiệu quả. Quan trọng hơn hết là huấn luyện và đào tạo cán bộ giáo viên, hướng dẫn chương trình giảng dạy cho phù hợp với đối tượng học nghề nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu xã hội. Và để công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT hoạt động hiệu quả, cần có sự đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn nữa về vật chất cũng như tinh thần giúp đỡ NKT và trẻ mồ côi được học tập, rèn luyện tay nghề, có việc làm ổn định.
Bốn là, cần có sự chung sức của cả cộng đồng: Để giúp cho NKT được tuyển dụng sau khi được đào tạo nghề, thiết nghĩ các đơn vị đào tạo nghề nên phối hợp với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cùng tham gia đào tạo để giúp các em ra trường sớm tìm được việc làm. Ví dụ, các cơ sở đào tạo giúp về kinh phí, các doanh nghiệp hỗ trợ về cơ sở vật chất như nhà ở, trang thiết bị, máy móc... Có như vậy, công tác đào tạo nghề cho NKT mới có hiệu quả và mới thực hiện tốt được xã hội hóa công tác dạy nghề.
Năm là, các trường dạy nghề phải có những cơ sở đào tạo riêng phù hợp với điều kiện của NKT: cũng cần chú ý đến cơ sở hạ tầng nơi đào tạo nghề có phù hợp với NKT không, đặc biệt là dạng khuyết tật vận động như không có đường cho xe lăn di chuyển, nhiều bậc tam cấp, nhà vệ sinh không tiếp cận được... Điều đặc biệt khi đào tạo nghề cho NKT là phải sắp xếp chỗ ăn, ở và học gần nhau vì họ không có phương tiện di chuyển và do hạn chế sức khỏe.
Nhìn lại bức tranh học nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật Việt Nam chúng ta thừa nhận rằng tuy chúng ta đã có những tiến bộ song rõ ràng việc thực hiện luật pháp và chính sách về việc làm đối với NKT vẫn chưa ổn thỏa và chứa đựng nhiều hạn chế. Do sự hoạt động giám sát, kiểm tra thiếu chặt chẽ, do chính sách hỗ trợ đối với NKT còn thiếu và yếu mà nhiều NKT Việt Nam hiện nay vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận dạy nghề và tạo việc làm.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét