Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Việt Nam hiện có trên 5,3 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 6,34% dân số, trong đó 70% đang ở độ tuổi lao động. Hơn 80% NKT sống ở nông thôn với những điều kiện vật chất, tinh thần và cơ sở hạ tầng thấp kém, gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng. Trình độ học vấn của NKT còn thấp với 36% không biết chữ; 20.7% có trình độ tiểu học, 24.5% trình độ THCS. Đại bộ phận NKT không thể sống tự lập, 70% phải sống dựa vào gia đình, chỉ có trên 25% NKT có hoạt động tạo thu nhập bằng các nghề thủ công truyền thống. Vì vậy mong mỏi để có một việc làm tạo thu nhập và hòa nhập với cộng đồng luôn là khát kháo cháy bỏng đối với NKT.
Việc giúp NKT cải thiện cuộc sống, được học nghề, tạo việc làm là một trong những biện pháp góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về NKT. Hiện nay, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đã có bước tiến bộ, nhận thức của xã hội về đối tượng này cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, NKT vẫn rất khó tìm được việc làm. Nguyên nhân cơ bản là họ chưa được đào tạo nghề. Điều đó càng chứng tỏ công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật hết sức cần thiết, cấp bách.
Hiện nhiều nước trên thế giới đề có qui định về tỷ lệ NKT được nhận vào làm việc trong DN. Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định: Mỗi DN thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải nhận 2%- 3% NKT vào làm việc trong tổng số biên chế của DN (2% đối với ngành công nghiệp nặng và 3% với các ngành còn lại). Nếu không nhận đủ NKT vào làm việc thì DN phải đóng tiền vào Quỹ việc làm dành cho NKT ở mỗi tỉnh. Hàng tháng DN phải đóng vào quỹ này một khoản tiền bằng lương tối thiểu nhân với số NKT mà DN còn chưa nhận đủ. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có rất ít tỉnh có Quỹ việc làm dành cho NKT, trong đó chỉ có một vài tỉnh (như Quảng Ninh) áp dụng tương đối đúng qui định, còn lại đều áp dụng không đúng hoặc Qũy chưa đi vào hoạt động. Dù vậy vẫn có một số trường dạy nghề mạnh dạn tiên phong đầu tư đào tạo nghề cho người khuyết tật các cơ hội việc làm như Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác Doanh nghiệp - Trường trung cấp nghề Công đoàn Việt Nam, hiện đang đào tạo dạy nghề các nghề ngắn hạn như nghiệp vụ Kế toán Tổng hợp, Kế toán Thuế, Kế toán Máy, Kế toán Trưởng...,Tin học Văn phòng, tiếng Anh...có chương trình đào tạo dạy nghề miễn phí 100% cho các đối tượng người khuyết tật, giảm 20% học phí cho các đối tượng người dân tộc vùng sâu, vùng xa, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên.. Thiết nghĩ đây là những mô hình mới, có tính xung kích, đáng được khích lệ nhân rộng và có thêm những hỗ trợ từ phía Bộ ngành chức năng cả về tài lực và vật lực.
Trở lại nguyên nhân chính các cơ hội học nghề vẫn còn chưa mở rộng chào đón NKT là do hầu hết các địa phương thiếu quan tâm chỉ đạo thực hiện và các ban ngành Trung ương cũng chưa đôn đốc sát sao việc thực hiện. Ngoài ra có một số tỉnh tuy thành lập Quỹ nhưng vẫn chưa trích ngân sách để đưa vào, vì vậy việc thực hiện hỗ trợ vốn dạy nghề và việc làm cho NKT còn nhiều bất cập.
Qua sự giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy hầu hết các DN chưa nhận đủ NKT vào làm theo đúng qui định, trong khi đó vẫn chưa đóng Quỹ việc làm cho NKT. Lý do được đưa ra là NKT không được đào tạo nghề. Thực tế cho thấy chỉ có khoảng 3% NKT được đào tạo nghề. Vì vầy DN cũng khó tìm được NKT được đào tạo nghề một cách bài bản vào làm việc. Cho đến nay, NKT và các tổ chức Hội của NKT tự vận động, tự tạo việc làm chính là thông qua việc tự thành lập các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Sự trợ giúp theo qui định của pháp luật là rất hạn chế.
Bên cạnh đó ngân sách giành cho lĩnh vực đào tạo nghề cho người khuyết tật còn quá hạn hẹp. Đến nay cả nước mới có 100 cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp cho NKT. Năm 2007, ngân sách cho đào tạo nghề dành cho NKT là hơn 18 tỷ đồng với lượng đào tạo khoảng 5000 NKT -  một con số quá khiêm tốn so với 5,3 triệu người. Theo qui định, mỗi NKT học nghề ngắn hạn được hỗ trợ 540.000 đồng/ người/ tháng, bao gồm cả tiền học nghề và tiền hỗ trợ đi lại. Với mức trượt giá như hiện nay thì số tiền đó có lẽ khiến họ phải đắn đo rất nhiều để có thể chi phí học nghề mưu sinh, qua đó góp phần sức lực hỗ trợ cho cuộc sống kinh tế gia đình của họ.
Vừa qua một cuộc điều tra khảo sát thực trạng NKT của Bộ lao động- Thương binh xã hội tại 8 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng cho biết: Có đến 94% NKT là người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên rất nhỏ. Chỉ có 1,2% NKT là đang học nghề. Chỉ có ½ số người học nghề được trợ giúp mà chủ yếu là được miễn hoặc giảm học phí. Tuy nhiên, số NKT có nhu cầu học nghề lại rất thấp bởi nội dung chương trình đào tạo, hình thức đào tạo chưa hợp lý về kết cấu và quá nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa có những giáo trình và các thiết bị dạy nghề dành riêng một cách chuyên biệt cho NKT.
Theo daotaonguonnhanluc.com

0 nhận xét :

Đăng nhận xét