Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Theo quy luật của thị trường lao động, ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề, cung luôn luôn vượt cầu. Người lành lặn tìm được việc làm đã khó, người khuyết tật tìm việc làm còn khó hơn. Trong số 5,3 triệu người khuyết tật có 60% trong độ tuổi lao động. Trên thực tế đa số người khuyết tật không thể sống tự lập, khoảng 70% sống dựa vào gia đình, chỉ có khoảng trên 25% có hoạt động tạo thu nhập. Trong số đó những người có việc làm có trả lương chiếm một con số rất ít ỏi.
* Cần thay đổi quan niệm về khả năng làm việc của người khuyết tật

Trong suốt một thời gian dài, 
người khuyết tật luôn phải đối diện với nhiều khó khăn trong vấn đề tìm việc làm. Nhiều doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng vẫn thường "vô tình" không nghĩ đến việc tuyển người khuyết tật, vì cho rằng, khả năng làm việc của người khuyết tật không bằng người lành lặn, họ không chịu được áp lực công việc cao, không đi được công tác xa, sức khoẻ yếu... Đó là những lý do chính khiến doanh nghiệp thường "dè dặt" khi xét hồ sơ xin việc của một ứng viên khuyết tật.
 anh-1
 Phỏng vấn tuyển dụng tạo sự bình đẳng về cơ hội cho NKT

Nhưng với những doanh nghiệp đã từng tuyển dụng nhiều 
người khuyết tật như Chi cục thuế quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Ninh Khánh (Ninh Bình), Công ty Chanshins Đồng Nai, Công ty Vietsoftware... thì họ lại có nhận định về khả năng làm việc của người khuyết tật một cách rất tích cực. Anh Lường Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty Vietsoftware, cho biết: "Đã thành thông lệ, mỗi khi có nhu cầu tuyển dụng, Công ty chúng tôi luôn nhấn mạnh "đặc biệt khuyến khích người khuyết tật nộp hồ sơ". Bởi qua hơn chục người khuyết tật làm việc tại công ty những năm qua, tôi nhận thấy năng lực của người khuyết tật không thua kém bất cứ ai, thậm trí còn vượt trội. Lĩnh vực công nghệ thông tin đặc biệt phù hợp với người khuyết tật, vì đòi hỏi trí tuệ nhiều hơn sức khoẻ. người khuyết tật ý thức được những thiệt thòi của mình nên họ chuyên tâm vào chuyên môn và không ngừng trau dồi tri thức. Họ làm việc rất thông minh và sáng tạo". 

Ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty TNHH Ninh Khánh cũng cùng chung quan điểm như vậy: "Công ty chúng tôi hiện có 28 lao động là 
người khuyết tật, họ làm việc rất chăm chỉ, tỉ mẩn, cẩn thận. Những sản phẩm tăm hương và đồ thủ công mỹ nghệ do họ làm ra rất hoàn hảo. người khuyết tật ít có cơ hội việc làm, nên khi được làm việc họ sẽ dồn hết tâm sức. Trong khi đó những người lành lặn hơn thường có tâm lý đứng núi này trông núi nọ và hay không thoả mãn với công việc hiện tại. Còn với người khuyết tật, nếu doanh nghiệp tin tưởng và tạo cơ hội, họ sẽ cố gắng hết mình để không làm doanh nghiệp phải thất vọng". 

Tuy nhiên, để sử dụng lao động là 
người khuyết tật, các nhà tuyển dụng cần thay đổi quan niệm về người khuyết tật, họ không phải là đối tượng cần cưu mang mà là những lao động đầy tiềm năng. Tuyển dụng người khuyết tật không phải là làm từ thiện mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng thời cũng là tạo điều kiện cho họ hoà nhập tốt hơn. Vì thế, cần phải có những cách đối xử bình đẳng. Bình đẳng trong những việc làm cụ thể như tạo điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với khiếm khuyết của họ. Chẳng hạn, lối đi tiện lợi cho những người dùng xe lăn, bàn làm việc thấp hoặc ghế cao để họ tiện sử dụng khi ngồi làm việc... Chủ doanh nghiệp có thể bố trí cho họ những công việc phù hợp và không thường xuyên phải đi công tác xa. 

Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề con người. Tập thể nơi 
người khuyết tật làm việc không nên kỳ thị, hay có cái nhìn phân biệt, xem họ là gánh nặng. Thực tế, họ hoàn toàn có đủ năng lực, cần đối xử thật công bằng và tiếp thêm sức mạnh cho họ. 

* Gian nan tìm việc 

Với bất kỳ sinh viên, học viên nào sau khi tốt nghiệp đều phải chuẩn bị cho mình những điều kiện cần và đủ cho hành trang lập nghiệp mới mong tìm được việc làm phù hợp. Đó là, trình độ tiếng Anh, tin học, phương tiện đi lại, khả năng giao tiếp, kiến thức xã hội, sự tự tin, năng động... Ngoài những người giỏi giang, tài năng có quyền lựa chọn công việc mình yêu thích, thì còn lại đa số vẫn bị rơi vào tình trạng "bấp bênh" khó tìm việc khi mà hành trang lập nghiệp còn quá nghèo nàn. 

Với những người lành lặn có thể không làm việc này thì làm việc khác, bươn trải, vận lộn với cuộc sống một vài năm để lấy kinh nghiệm cũng chẳng đáng kể gì. Nhưng với 
người khuyết tật, điều đó quả là một thử thách quá lớn. Thật là khó nếu cử nhân sư phạm phải làm nhân viên phát triển thị trường, cử nhân công nghệ thông tin phải làm công nhân đứng máy. Người khiếm thị không thể đi giao hàng, người khiếm thính không thể là nhân viên trực tổng đài và người khuyết tật vận động không thể làm bảo vệ...

Cơ hội nghề nghiệp đối với 
người khuyết tật thường rất mỏng. Họ chỉ có thể làm một số công việc đặc thù phù hợp với dạng tật của mình mà thôi. Vì vậy ngay từ khi chọn ngành nghề học, họ đã phải tính toán kỹ lưỡng đến khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tiếp đó là sự trau dồi về ngoại ngữ, tin học và những kỹ năng khác. 

Nguyễn Trung Thành tốt nghiệp khoa Hoá thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2004 nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Thành tâm sự: "Khi còn ngồi trên giảng đường, em luôn cố gắng học tốt. Từ trước đến nay em luôn sống tự tin và không hề có suy nghĩ mình là người khuyết tật. Nhưng đến khi cầm hồ sơ đi xin việc và bị từ chối quá nhiều, em mới buộc phải đối diện với sự thật mình là 
người khuyết tật". Rất nhiều người như Thành đã không đủ kiên trì tìm việc làm mà buộc phải "tự lo thân" bằng cách phải mở cửa hàng, buôn bán lặt vặt. Có những người còn phải bán bánh mì, vé số, sửa xe... 

Vậy vì sao 
người khuyết tật khó xin được việc làm? Theo ý kiến của chính người khuyết tật thì do bản thân họ không tự tin, còn mặc cảm với những khiếm khuyết của cơ thể. Họ chưa chuẩn bị đầy đủ những kiến thức để phục vụ cho yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn yếu tố quan trọng khác, đó là người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự liên kết giữa 3 bên: người khuyết tật - doanh nghiệp - Trung tâm dạy nghề, chưa có nơi tư vấn nghề nghiệp cho người khuyết tật
anh-2
NKT là những lao động có tiềm năng. 


* Giải pháp giúp người khuyết tật tăng cơ hội việc làm 
Những năm qua, nhiều cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội đã "vào cuộc" thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng đối với vấn đề việc làm của 
người khuyết tật. Các tổ chức như NCCD, ASVHO, VABED, VNAH, VCCI, ILO... đã xây dựng những kế hoạch, chương trình hoạt động thường niên và dài hạn nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Trước hết việc đào tạo nghề cho người khuyết tật
 phải có sự đầu tư cả về dạy và học để vững chuyên môn, tay nghề cao thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nghề đào tạo cần phù hợp với dạng tật, chẳng hạn như một số người khuyết tật vận động nên được đào tạo nghề công nghệ thông tin, nghề mátxa, xoa bóp bấm huyệt được nhiều người khiếm thị theo học, làm hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc.... được nhiều người người khiếm thính yêu thích v.v... 

Vấn đề nâng cao nhận thức cần được tiếp tục đẩy mạnh. Toàn bộ quá trình làm chuyển biến nhận thức của doanh nghiệp và 
người khuyết tật cần diễn ra từ từ, "mưa dầm thấm lâu". Theo đó, truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng, phải thường xuyên tuyên truyền về khả năng của người khuyết tật, nêu gương điển hình doanh nghiệp nhận nhiều lao động là người khuyết tật. Cần có một chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp không thực hiện quy định của pháp luật về tiếp nhận lao động khuyết tật. Đồng thời phải có bộ máy giám sát việc thực hiện này. 

Những thông tin về việc làm cho 
người khuyết tật cũng cần phải được chia sẻ và nhân rộng. Nên tổ chức thường xuyên các hội chợ việc làm, triển lãm giới thiệu các sản phẩm của người khuyết tật. Tăng cường xây dựng và triển khai nhiều hơn nữa các dự án đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh, tự tạo việc làm, cung cấp kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhỏ. Và một điều không kém phần quan trọng là vấn đề tiếp cận giao thông và các công trình xây dựng công cộng để đảm bảo người khuyết tật có thể đến được nơi cần đến... 

Tất cả đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, ngành, đơn vị liên quan và bản thân 
người khuyết tật để vấn đề việc làm ngày càng có những chuyển biến tích cực hơn nhằm giúp người khuyết tật hoà nhập.
Theo jobsvietnam.net/

0 nhận xét :

Đăng nhận xét