Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Trong hai ngày 18-19/9, tại thành phố Ninh Bình, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức USAID Việt Nam, CRS, VNAH tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Kế hoạch dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật giai đoạn 2015- 2020. Tham dự có bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Giám đốc Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam (NCCD); ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề Thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề), lãnh đạo các phòng Bảo trợ Xã hội, phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TBXH của các tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở ra và đại diện các tổ chức, hội, hiệp hội của người khuyết tật, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có sử dụng lao động là người khuyết tật.

Bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Giám đốc Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam (NCCD) phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Giám đốc Ban NCCD cho biết, Việt Nam hiện có 6,3 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, trong đó có 87% sống ở khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn; 61% còn trong độ tuổi lao động, trong đó 40% là còn sức khỏe.
Để trợ giúp Người khuyết tật sống tự tin, hòa nhập xã hội, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Trong những năm qua, đã có nhiều văn bản, chính sách quy định về dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật như Bộ luật Lao động (sửa đổi) ban hành năm 2012 đã dành một mục riêng với 3 điều quy định về lao động là người khuyết tật; Luật Dạy nghề ban hành năm 2006 dành toàn bộ Chương VII quy định về dạy nghề cho người khuyết tật; Luật Người khuyết tật có chương V về dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật. Tất cả các quy định trong các bộ luật quan trọng đều nhằm mục tiêu ưu tiên, trợ giúp người khuyết tật học nghề, tạo việc làm và trợ giúp các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng.


Trưởng Đại điện tổ chức CRS phát biểu tại Hội thảo

Đặc biệt, ngày 5/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 -2020 và đặt ra chỉ tiêu đến năm 2015 có 250.000 người khuyết tật và đến năm 2020 có 300.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm. Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2012, ngân sách Nhà nước đã bố trí gần 10 tỷ đồng từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đào tạo nghề cho người khuyết tật. Các địa phương đã tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm về trợ giúp người khuyết tật, trong đó có công tác dạy nghề, việc làm. Tuy nhiên, đến nay, việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng người khuyết tật được học nghề và có việc làm ổn định chưa nhiều, danh mục nghề phù hợp với các dạng tật còn thiếu, thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn học nghề cho người khuyết tật, thiếu nguồn lực và các chính sách hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật và giáo viên dạy người khuyết tật.
Để thúc đẩy công tác trợ giúp người khuyết tật trong lĩnh vực dạy nghề, việc làm, thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Dạy nghề, Cục Việc làm, Cục Bảo trợ Xã hội và Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ LĐ- TBXH) đã phối hợp xây dựng Kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, trong đó đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bên liên quan ở cấp trung ương và địa phương, cố gắng phấn đấu thực hiện mục tiêu dạy nghề cho người khuyết tật. Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, để kế hoạch được xây dựng sát với thực tế, đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật, các đại biểu tham dự hội thảo cần thảo luận kỹ những nội dung trong dự thảo Kế hoạch xem có phù hợp với địa phương không, có khả thi không, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tăng cường công tác dạy nghề gắn việc tạo việc làm cho người khuyết tật.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề Thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề)

Còn theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề Thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề), đến nay cả nước có 80.000 người khuyết tật được tổ chức học nghề, tạo việc làm. Hàng năm, Tổng cục Dạy nghề đã có văn bản hướng dẫn về chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn đối với các tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu chỉ tiêu dạy nghề cho người khuyết tật phải đạt tối thiểu 5% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, số lao động khuyết tật được học nghề còn quá thấp, chỉ đạt 0,6% được học nghề (năm 2012) và 0,5% (năm 2013). Về chính sách, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn (nguồn vốn đủ đáp ứng nhu cầu cho họ), đối với những trường hợp người khuyết tật không thuộc diện hộ nghèo phải vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm, dạy nghề. Song trong những năm qua (2012, 2013), nguồn vốn từ quỹ này không được bổ sung nên cơ hội để người khuyết tật có thể tiếp cận nguồn vốn vay rất thấp. Thêm nữa, mức hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn cho người khuyết tật còn thấp (15.000 đồng/người/ngày học), từ khi nhập học cho đến khi kết thúc khóa học người khuyết tật phải ở lại cơ sở dạy nghề. Vậy những ngày họ không học có được hỗ trợ không. Việc xây dựng các trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật được quy định là Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ xây dựng, nhưng trong Quyết định 1956 và Quyết định 1019 lại không quy định chính sách hỗ trợ.
Trong công tác hướng dẫn dạy nghề cho người khuyết tật, đang áp dụng cùng một cơ chế như những người bình thường. “Bộ, Tổng cục Dạy nghề đang mắc nợ một nội dung về tổ chức dạy nghề riêng cho người khuyết tật, họ không thể áp dụng cơ chế như những người bình thường như dạy nghề sơ cấp thời gian 3 tháng, mặt khác chương trình đào tạo phải khác, kế hoạch đào tạo khác, giáo viên hướng dẫn lý thuyết và thực hành phải khác”, ông Tiến chia sẻ.
Còn về tổ chức thực hiện, mặc dù trung ương đã hướng dẫn các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch dạy nghề lao động nông thôn hàng năm, trong đó phải có chỉ tiêu dạy nghề cho lao động khuyết tật tối thiểu 5% nhưng rất ít địa phương khi xây dựng kế hoạch đặt chỉ tiêu người khuyết tật được hỗ trợ học nghề trong tổng số lao động được dạy nghề. Mặt khác, hiện có rất nhiều con số thống kê về số lượng người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm, chưa thống nhất giữa các đơn vị chủ quản. Do vậy, trước mắt, để hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tạo việc làm cần nhanh chóng ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức dạy nghề, việc làm cho người khuyết tật. Đối với các địa phương, trong kế hoạch hàng năm, cần đưa chỉ tiêu số người khuyết tật được dạy nghề lên 10%, đi kèm với nguồn kinh phí bố trí là 20% trong tổng số kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn, phê duyệt mức hỗ trợ phù hợp với người khuyết tật, không thể như những người bình thường.

Đại điện tổ chức CRS trình bày mô hình đào tạo công nghệ thông tin cho NKT

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe thực trạng công tác tạo việc làm cho người khuyết tật, mô hình đào tạo nghề công nghệ thông tin gắn với việc làm cho người khuyết tật của tổ chức CRS, mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật của VNAH, việc làm cho lao động khuyết tật tại Công ty Esoftflow, mô hình dạy nghề tạo việc làm của Hội Chữ thập đỏ Tây Ban Nha, mô hình việc làm và an sinh xã hội cho người khuyết tật của Tổ chức HANDICAP.
Dự thảo kế hoạch dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật giai đoạn 2015- 2020 đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2015- 2020 hỗ trợ dạy nghề dưới các hình thức cho 455.000 người khuyết tật, trong đó có 5% được hỗ trợ dạy nghề ở trình độ trung cấp, cao đẳng; tăng tỷ lệ người khuyết tật có việc làm sau học nghề, phấn đấu đạt mức 70- 80% số người khuyết tật sau học nghề có việc làm phù hợp với thu nhập ổn định; 90% giáo viên dạy nghề, cán bộ tư vấn viên việc làm cho người khuyết tật được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn và các kiến thức liên quan; 70 tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động hội chợ việc làm và sàn giao dịch việc làm bố trí khu vực dành riêng cho người khuyết tật; 50% các cơ sở dạy nghề, tạo việc làm và các trung tâm dịch vụ việc làm được cải tạo, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để người khuyết tật tiếp cận được.
Theo m.tcdn.gov.vn/

0 nhận xét :

Đăng nhận xét