Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015


Giúp NKT nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng cải thiện cuộc sống, được học nghề, có việc làm là một trong những biện pháp góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về NKT. Hiện nay, ngoài các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước, những năm gần đây, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tự lực của NKT cũng đã và đang tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, NKT vẫn rất khó tìm được việc làm, nguyên nhân cơ bản là họ chưa được đào tạo nghề. Ðiều đó chứng tỏ công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đang là vấn đề cần thiết, cấp bách. Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật đã và đang gặp một số khó khăn, bởi phần lớn NKT thường mặc cảm và tự ti nên không yên tâm khi xa gia đình đi học nghề. Bên cạnh đó, nhiều gia đình NKT là hộ nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp nên không khuyến khích NKT đi học nghề mà muốn giữ ở nhà để trông nhà, làm việc nội trợ... Sự khác nhau về bệnh tật (khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động, nhiễm chất độc da cam...) ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy nghề, tiếp thu kiến thức của NKT. Có người học ba năm đã đạt, có người phải mất tới sáu năm mới có được một nghề... Bên cạnh đó, sự thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng gây ra nhiều trở ngại. Có những nghề phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của NKT nhưng không có kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Trong khi đó, việc dạy nghề cho NKT không thể chỉ dạy lý thuyết.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm miễn phí cho trẻ em khuyết tật Ðống Ða Trần Duyên Hải cho biết: Xưởng may của trung tâm có thể tiếp nhận từ 40 đến 50 học viên là NKT cho mỗi khóa học, nhưng do đầu ra gặp nhiều khó khăn, nên mỗi đợt, trung tâm thường chỉ tiếp nhận từ 20 đến 30 người. Công việc dạy nghề cho NKT không đơn giản, đòi hỏi nhiều tâm huyết, lòng bao dung, sự công bằng, nhiệt huyết của giáo viên, NKT có tiếp thu được bài học hay không là nhờ rất nhiều vào giáo viên. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết đội ngũ giáo viên dạy nghề cho NKT chưa qua trường lớp đào tạo chính quy do Nhà nước mở; họ mới được dự các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, do vậy yếu cả chuyên môn lẫn nghiệp vụ. Việc dạy nghề cho NKT đã khó, tìm được việc làm phù hợp cho họ còn khó hơn, bởi nhiều công ty, xí nghiệp thường ngại nhận NKT vào làm vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều em sau khi được học nghề, thậm chí đã qua đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học nộp đơn xin việc nhưng bị không ít doanh nghiệp từ chối tiếp nhận, với nhiều lý do khác nhau. Doanh nghiệp không mặn mà tiếp nhận NKT vào làm việc, khiến các trung tâm dạy nghề nhân đạo luôn lo lắng về đầu ra cho các học viên. 
Ðể cải thiện tình trạng trên, tạo ra nhiều cơ hội cho NKT hòa nhập cộng đồng, được học nghề, có việc làm, rất cần sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các ngành hữu quan và sự quan tâm của cả cộng đồng. Cần tổ chức phổ cập và nâng cao trình độ văn hóa cho NKT, tạo điều kiện cho họ học tập. Cần đào tạo nghề cho NKT ở mọi trình độ văn hóa, đồng thời gắn với tạo việc làm, có thu nhập. Quan tâm vấn đề can thiệp sớm, phục hồi chức năng cho NKT ngay từ khi còn nhỏ để tránh khuyết tật nặng, qua đó, góp phần làm giảm khó khăn trong học nghề và tìm việc làm sau này. Thay đổi nhận thức của chủ sử dụng lao động về khả năng làm việc của NKT. Có chính sách khuyến khích dạy nghề cho NKT tại cộng đồng, vì phần lớn NKT sống ở gia đình, gắn với cộng đồng dân cư nên dạy nghề, tạo việc làm cho NKT ở cộng đồng là thích hợp và thuận lợi nhất. Ðầu tư nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, kỹ năng, tay nghề, phát huy khả năng của lao động NKT. Với NKT ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, nên quan tâm và thực hiện 'Chương trình tạo việc làm tại chỗ', tạo điều kiện cho NKT và gia đình của họ tự tạo việc làm, có thu nhập, giúp NKT tự tin, hòa nhập tốt hơn với xã hội.
Theo nhandan.com.vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét