Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Dạy nghề cho người tàn tật, khuyết tật nhằm giúp họ có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng. Chính vì thế, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, giúp người khuyết tật từng bước vươn lên.
Trung tâm Dạy nghề Phục hồi chức năng cho người tàn tật (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) được thành lập từ năm 1979 (trên cơ sở Xí nghiệp sản xuất của Thương binh và người tàn tật Bắc Ninh). Với điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi, trung tâm đã và đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật. Hàng năm trung tâm nghiên cứu mở các lớp học nghề phù hợp với tình hình kinh tế và nhu cầu của địa phương. Hiện nay, trung tâm có thể thực hiện đào tạo các nhóm nghề như: May công nghiệp, dân dụng; thêu ren, dệt len, mộc dân dụng, sửa chữa thiết bị điện dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ... trong đó nghề mây tre đan và may công nghiệp phổ biến và có nhiều học viên đăng ký tham gia học nhất.
Xác định đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng trong công đào tạo nghề, một mặt trung tâm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên bằng cách đào tạo chuyên sâu, học tập kinh nghiệm, tăng cường thực hành... mặt khác mời các giáo viên, kỹ sư từ những trường, trung tâm đào tạo nghề uy tín của Trung ương và địa phương. Trung tâm chủ trương tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong việc đào tạo dạy nghề nhằm gắn kết quả đào tạo với giải quyết việc làm cho người tàn, khuyết tật. Trong quá trình đào tạo, học viên được học lý thuyết và thực hành kỹ lưỡng, lại được bố trí nơi ăn, ở ổn định nên công tác đào tạo dạy nghề đã có nhiều kết quả đáng khích lệ. Số học viên khuyết tật đăng ký ngày một đông. Năm 2011, có 218 học viên khuyết tật ở các dạng tật đăng ký, đến năm 2013 trung tâm đã tuyển sinh được 385 học viên. Chất lượng đào tạo cũng được nâng cao rõ nét. Năm 2013, hai ngành may công nghiệp và mây tre đan có 385 học viên được đào tạo, kết thúc tỷ lệ đạt yêu cầu hơn 90%, khá, giỏi chiếm 47,2%, học viên sau khi được đào tạo có việc làm ổn định gần 70%.
Giáo viên dạy may công nghiệp Nguyễn Thị Tân, cho biết: “Đào tạo nghề cho người khuyết tật khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với dạy nghề cho người bình thường. Đối với nghề may công nghiệp, nếu như người bình thường chỉ học trong 3 tháng là thành thạo. Với người tàn tật khóa học phải kéo dài 7 đến 9 tháng thậm chí đến 12 tháng. Người tàn tật có nhiều hạn chế như trình độ văn hóa thấp, nhận thức chậm, tàn tật tay, chân hoặc câm điếc bẩm sinh nên khó tiếp thu, do đó, giáo viên thường phải dạy tỉ mỉ, chi tiết, sử dụng biện pháp cầm tay uốn nắn thực hiện các thao tác theo thói quen, bám sát từng học sinh tàn tật khác nhau và điều quan trọng hơn nữa là giáo viên cần quan sát thể lực và tâm lý của người tàn tật để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe, có biện pháp dạy phù hợp và khoa học”.
Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật đang được các cấp, các ngành quan tâm. UBND tỉnh ban hành Đề án Trợ giúp người khuyết tật tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Trong giai đoạn 2013-2015, phấn đấu mỗi năm đạt 80% số người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế, 70% trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tham gia học tập và miễn giảm học phí theo quy định. Ít nhất 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông và công trình công cộng, 100% người khuyết tật được hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu. Các giai đoạn tiếp theo, chỉ tiêu sẽ cao hơn theo từng năm.
Để làm tốt công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật và thực hiện tốt Đề án của tỉnh, Trung tâm Dạy nghề Phục hồi chức năng cho người tàn tật Bắc Ninh sẽ  tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho người khuyết tật; hỗ trợ dạy nghề cho nông dân, người tàn tật. Tiến hành điều tra người trên quy mô toàn tỉnh kết hợp với xác định nhu cầu học nghề của người lao động, trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ, quản lý cho giáo viên dạy nghề và cán bộ quản lý tại trung tâm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy nghề và quản lý dạy nghề như xây dựng các phần mềm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và quản lý dạy nghề; xây dựng giáo án điện tử; hệ thống mạng thông tin về dạy nghề...
Tuy nhiên để vấn đề đào tạo nghề cho người tàn, khuyết tật được thuận lợi thì rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp và cộng đồng.
Theo baobacninh.com.vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét