Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015


Ngày nay, công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) là cái tay của người khuyết tật (NKT) vận động, là cái tai của người khiếm thính và là con mắt của người khiếm thị... Chính vì thế, các trung tâm dạy nghề, cơ sở bảo trợ người NKT ở Bình Dương đã tổ chức những lớp học đào tạo nghề công nghệ thông tin cho người khuyết tật, tạo việc làm cho NKT. Và hơn nữa, NKT còn ước mơ xây dựng bảng tin bằng ngôn ngữ hình ảnh, phần mềm đọc web bằng giọng nói để họ nắm được tin tức, những chính sách pháp luật liên quan.
 Anh Nguyễn Đình Phương (NM) đang tính toán lương, thống kê số lượng bán chổi trong tháng Ảnh: T.LÝ
 “Cánh cửa” mới
Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Dạy nghề NKT thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có nhiều học viên (HV) học xong lớp tin học căn bản, đồ họa và có việc làm ổn định. HV theo học hầu hết bị khuyết tật tay, chân hoặc khiếm thính. Để giúp các HV làm quen với máy tính là việc rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, nỗ lực của HV dần dần các em đã “chinh phục” được chiếc máy tính, thông thạo cách sử dụng Word, Excel, đồ họa… “CNTT mở ra cho bọn em rất nhiều cơ hội để hòa nhập với cộng đồng. Sự hiểu biết từ CNTT sẽ giúp NKT tìm được công việc ổn định và giúp chúng em “di chuyển” tới khắp nơi trên thế giới”, em Đinh Thành Tâm, khuyết tật vận động nói.
Vui mừng khoe thành tích của bản thân, Phạm Ngọc Thạch (khiếm thính), học xong lớp đồ họa tại Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh đã xin được việc làm tại Tiệm sửa ảnh Kim Dung (TP.Thủ Dầu Một). Thạch nói, có việc làm, em không còn nghĩ mình là người thua thiệt trong xã hội, là gánh nặng của gia đình. Dù thu nhập không cao lắm, nhưng quan trọng là em tự kiếm được tiền, có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Nhờ biết sử dụng máy tính, anh Nguyễn Đình Phương cũng đã giúp Hội Người mù (NM) tỉnh tổng hợp số lượng bán chổi, tính tiền lương cho nhân viên bằng công cụ Excel. Anh Phương cho biết, anh bị mù vì dính phải mìn. Tai nạn khủng khiếp đã cướp đi cánh tay phải và đôi mắt. Sau những tháng ngày sống trong mặc cảm, tự ti, anh xin vào Hội NM làm chổi, rồi chuyển sang làm thủ quỹ. Ngày trước, mỗi lần tính tiền lương, thống kê số lượng hàng bán ra, anh phải tính nhẩm, cộng trừ số nổi, tốn nhiều thời gian. Sau khi được học khóa tin học căn bản dành cho NM, anh sử dụng Excel để đặt lệnh tính tiền tổng hợp. Giờ đây, anh chỉ cần vài thao tác đã biết được doanh thu trong tháng, trong năm. “Ngoài tính toán, lưu số liệu buôn bán chổi, tôi còn sử dụng máy tính để lên mạng nghe tin tức, nghe nhạc nên cảm thấy cuộc sống thật vui”, anh Phương nói.
Truyền thông đối với NKT
Thành công bước đầu của việc đào tạo nghề công nghệ thông tin cho người khuyết tật là tạo cơ hội việc làm cho nhiều người. Bên cạnh việc học nghề, NKT hy vọng sẽ có nhiều chương trình giúp họ tiếp cận với truyền thông. Bà Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội NM tỉnh cho biết, tương lai của NKT sẽ rất mù mịt nếu họ không tự mình vươn lên, cũng như được trang bị một nghề ổn định để kiếm sống. CNTT-TT chính là một “cầu nối” giúp nhiều NKT nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là tìm kiếm cơ hội việc làm. Để bảo đảm NKT tiếp cận CNTT-TT cần được hỗ trợ máy tính, phần mềm tiếng Việt hỗ trợ đọc sách, báo, tin tức; chương trình riêng bằng ngôn ngữ cơ thể trên các kênh truyền hình dành cho người khiếm thính; xây dựng trang web phù hợp cho NKT với các nội dung: Giáo dục về sức khỏe giới tính, chính sách pháp luật, kiến thức văn hóa xã hội, gương điển hình…
Thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã gửi Thông tư đề nghị Sở TT-TT các tỉnh, thành chủ động nghiên cứu nội dung của đề án và tham mưu UBND tỉnh triển khai các hoạt động trợ giúp NKT tiếp cận CNTT-TT tại địa phương. Theo đó, Sở TT-TT đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức khảo sát tình hình tiếp cận CNTT-TT của NKT. Từ đó, ghi nhận những khó khăn, hạn chế để mở ra một bước đi mới, đúng đắn trong đào tạo nghề, đem lại thu nhập cao hơn cho NKT; xây dựng các chương trình, phần mềm phù hợp với NKT.
UBND tỉnh cũng đã ra quyết định phê duyệt Đề án trợ giúp NKT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2020. Tính đến cuối năm 2012, Bình Dương có gần 19.000 NKT, trong đó hơn 15.000 người lớn. Đa số là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế do bệnh tật và không có nghề nghiệp nên họ luôn sống khép kín, mặc cảm. Với mục tiêu đề án đề ra, giai đoạn 2013-2015, ngoài được hỗ trợ về vật chất, tinh thần, 30% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng CNTT-TT; giai đoạn 2015-2020, 50% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng CNTT-TT.
Thực hiện đề án, Sở LĐ- TB&XH được phân công phối hợp triển khai thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án; khảo sát, bổ sung, đánh giá thực trạng NKT; hỗ trợ học nghề, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật; tuyên truyền chính sách pháp luật… Riêng Sở TT-TT sẽ tuyên truyền chống kỳ thị với NKT; phát triển, nâng cấp cổng thông tin điện tử hỗ trợ cho NKT; ứng dụng tiến bộ công nghệ hỗ trợ NKT tiếp cận CNTT-TT; đào tạo nghề mới cho NKT dựa trên CNTT-TT…
Với những hiệu quả mang lại trong việc giúp NKT tiếp cận CNTT-TT đã thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với NKT; bảo vệ chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Theo baobinhduong.vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét