Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước hiện có khoảng 5 triệu người khuyết tật và chỉ có 16.000 người trong số này đang làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp nhưng chủ yếu là thương, bệnh binh. Đáng quan tâm là có 87% người khuyết tật đang sống tại khu vực nông thôn với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn và khó có thể tự chủ được cuộc sống của mình.
Việc giúp người khuyết tật cải thiện cuộc sống, được học nghề, tạo việc làm là một trong những biện pháp góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về người khuyết tật. Hiện nay, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đã có bước tiến bộ, nhận thức của xã hội về đối tượng này cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người khuyết tật vẫn rất khó tìm được việc làm. Nguyên nhân cơ bản là họ chưa được đào tạo nghề. Điều đó càng chứng tỏ công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật hết sức cần thiết, cấp bách.


Để sống hòa nhập với xã hội, người khuyết tật cần nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động. 

Hiện nay, ngoài các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước thì những năm gần đây, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tự lực của người khuyết tật cũng đã và đang tham gia vào việc đào tạo nghề cho người khuyết tật. Thế nhưng công việc đào tạo nghề cho người khuyết tật đã và đang vấp phải một số khó khăn: Đa số người khuyết tật thường mặc cảm và tự ti về sự khuyết tật của mình nên rất ngại khi xa gia đình đi học nghề. Tâm lý tự ti và trở ngại về khoảng cách địa lý làm họ e ngại, không muốn vươn lên học nghề cũng như không tự tin là mình có thể làm việc tự nuôi sống mình và gia đình. Bên cạnh đó, hầu hết gia đình người khuyết tật là hộ nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp nên họ không khuyến khích người khuyết tật đi học nghề mà chỉ muốn giữ ở nhà để trông nhà, làm việc nội trợ...

Việc giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải dễ dàng. Trước hết, do điều kiện sức khỏe nên người khuyết tật khó tìm việc làm. Thông thường thì giờ làm việc của người lao động là 8 giờ/ngày, nhưng theo Luật Lao động thì người khuyết tật chỉ làm việc 7 giờ/ngày. Nếu người tuyển dụng là các doanh nghiệp sản xuất thì người khuyết tật sẽ không được tuyển vì thời gian làm việc ít sẽ mang lại lợi nhuận thấp. Ngoài ra, khi nhận người khuyết tật, các doanh nghiệp phải xây dựng lại đường đi cho người đi xe lăn, phòng vệ sinh dễ tiếp cận... điều này làm cho lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Với các cơ quan Nhà nước thì việc tuyển người khuyết tật vào làm việc chính thức là chuyện “hiếm”.
Dạy nghề cho người khuyết tật cũng rất khó khăn. Về kinh phí đào tạo nghề cho người khuyết tật đã được quy định rất cụ thể trong Thông tư liên tịch số 19/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BKHĐT ngày 19-5-2005, thế nhưng việc lựa chọn ngành nghề đào tạo cho phù hợp với người khuyết tật không phải đơn giản. Những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, có nhiều cơ hội xin được việc làm thì hầu hết người khuyết tật không có khả năng theo học, còn những ngành thủ công đơn giản như may mặc, chế biến thực phẩm đã có nhiều người học thì người khuyết tật học sẽ khó tìm được việc làm do cạnh tranh cao. Bên cạnh đó có nhiều đơn vị đã thực hiện chức năng đào tạo nghề cho người khuyết tật nhưng vẫn chưa có đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên biệt, chưa có nghiệp vụ đào tạo cho nhóm đối tượng yếu thế nên nhiều lúc giáo viên giảng nhưng học trò không hiểu. Cũng chính vì vậy, các doanh nghiệp tuyển lao động chưa tin tưởng vào công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật ở các cơ sở đó nên để tìm được việc làm cho người khuyết tật lại càng khó khăn hơn.
Để giúp cho người khuyết tật được tuyển dụng sau khi được đào tạo nghề, thiết nghĩ các đơn vị đào tạo nghề nên phối hợp với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cùng tham gia đào tạo để giúp các em ra trường sớm tìm được việc làm. Ví dụ, các cơ sở đào tạo giúp về kinh phí, các doanh nghiệp hỗ trợ về cơ sở vật chất như nhà ở, trang thiết bị, máy móc... Có như vậy, "cuộc chiến" tạo công việc cho người khuyết tật mới có hiệu quả và mới thực hiện tốt được xã hội hóa công tác dạy nghề.
Theo qdnd.vn

0 nhận xét :

Đăng nhận xét